Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Động lực làm việc của nhân viên hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách  nhân sự

(HR) Nhiều chủ doanh nghiệp thường không nhận ra rằng chính họ và những chính sách do họ đưa ra là tác nhân chính yếu ảnh hưởng đến thái độ làm việc của nhân viên.

Tinh thần làm việc của nhân viên có ba cấp độ cơ bản. Cấp độ một là thái độ bất mãn với công việc, không có động lực làm việc. Nói một cách bình dân là ‘xìu”. Cấp dộ hai là không bất mãn, cũng không hưng phấn.

Tức là không ’sung” cũng không ‘xìu”? Cấp độ ba là thỏa mãn và làm việc một cách hưng phấn. Gọi chung là ’sung”.

Dĩ nhiên doanh nhân, nhà quản lý nào cũng muốn đội ngũ nhân viên mình làm việc trạng thái hưng phấn vì hiệu quả sẽ cao gấp nhiều lần hai trạng thái kia. Nhiều khi họ bứt đầu bứt tai vì không thể thay đổi tinh thần làm việc của nhân viên từ cấp độ một hay cấp độ hai sang cấp độ ba.

Câu chuyện dưới đây là một trường hợp để tham khảo.

Hoàng là trưởng phòng kinh doanh một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Ngoài khả năng và kinh nghiệm quản lý anh còn là người am hiểu thị trường. Chính vì thế mà công ty gần như giao hẳn quyền điều hành mạng lưới kinh doanh cho anh.

Nhưng bất ngờ, cách nay vài tháng, Hoàng nộp đơn xin việc. Mọi người ngạc nhiên vì anh vốn là người rất tâm huyết với công ty. Giám đốc ra công tìm hiểu nhưng cũng chỉ được anh trả lời với lý do hết sức chung chung là không hài lòng với chính sách ở đây.

Cuối cùng,  phòng nhân sự  phải dùng đến cách “khai thác” vợ anh, qua đó mới hiểu nguyên nhân chính khiến Hoàng quyết định ra đi vì công ty đã trả  lương  cho trưởng phòng tiếp thị cao hơn anh. Hoàng không thể chấp nhận việc mình đã làm cho công ty bốn năm, có kinh nghiệm nhiều hơn lại nhận mứác lương thấp hơn người mới vào công ty được vài tháng và thuộc lớp đàn em.

Khi biết rõ nguyên nhân, giám đốc đã phải vội vàng giải thích cho Hoàng biết anh vẫn được công ty đánh giá cao khả năng làm việc, nhưng vì công ty cần một trưởng phòng tiếp thị nên đã phải đồng ý trả mức thu nhập trên. Giám đốc thuyết phục Hoàng ở lại vì công ty đã có kế hoạch điều chỉnh lương của anh và các trưởng phòng khác cho tương xứng.

Rõ ràng, bài học rút ra từ câu chuyện trên cho các nhà quản lý là việc phải bảo đảm tính công bằng về thu nhập giữa các nhân viên. Nếu không bảo đảm được sự công bằng về lương bổng trong một thời gian ngắn thì nên đích thân giải thích cặn kẽ cho họ biết lý do, cũng như kế hoạch khi nào điều chỉnh.

Thông thường, để giải tỏa tâm lý bất mãn, mất động lực làm việc của nhân viên, các nhà quản lý cần phải hiểu rõ những tác nhân gây ra nó. Dưới đây là một số gợi ý.

Thu nhập thấp hơn mức chuẩn. Nếu thu nhập của nhân viên thấp hơn mức đáng ra họ được trả theo vị trí, tính chất công việc và khả năng thực hiện công việc (tạm gọi là mức chuẩn) thì xác suất rất lớn là nhân viên đó cảm thấy không còn hứng thú với công việc.

Thu nhập không công bằng. Nhân viên sẽ tự tính ra một hệ số tạm gọi là hệ số công bằng trong thu nhập. Tử số là toàn bộ thu nhập, kể cả thưởng và những chế độ ưu đãi. Mẫu số là hiệu quả công việc cộng với khả năng làm việc gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.., Và mức độ đóng góp cho công ty. Khi nhân viên cảm nhận hệ số này của họ nhỏ hơn của một hay nhiều đồng nghiệp khác, họ sẽ thấy khó chịu và không hài lòng với lãnh đạo.

Chính sách khen thưởng, thăng tiến,  đào tạo  không rõ ràng. Những chính sách liên quan đến quyền lợi và tương lai của nhân viên nếu không được công khai và không được thực hiện rõ ràng, công bằng cũng sẽ làm cho nhân viên không hài lòng và bất mãn.

Nhân viên không được giao đúng công việc. Khi được giao việc dưới khả năng hay không đúng chuyên môn, kinh nghiệm, nhân viên sẽ cảm thấy bất công, không hài lòng với cấp quản lý.

Nhân viên “được” theo dõi, kiểm soát quá gắt gao. Một số nhà quản lý, vì lo nhân viên không làm được việc, hoặc sợ nhân viên không trung thực… đã quản lý và theo dõi quá gắt gao. Khi đó, nhân viên sẽ thấy rất khó chịu và bất mãn.

Nhân viên cấp trung gian bị bỏ qua. Nhiều nhà quản lý thường xuyên làm việc thẳng với nhân viên phía dưới, không thông qua và cũng không thông báo với cấp quản lý trung gian. Việc này có thể xảy ra trong những trường hợp đặc biệt, nhưng nếu thường xuyên sẽ làm cho cấp quản lý trung gian khó chịu và cảm giác mình là người ‘thừa”.

Nhân viên không được hỗ trợ về nguồn lực. Để thực hiện công việc, nhiều lúc nhân viên cần sự hỗ trợ của cấp trên về tài chính, thời gian và nhân lực. Khi không được hỗ trợ đúng mứác và đúng lúc họ sẽ có cảm giác mình không được công ty quan tâm và từ đó bất mãn với công việc.

Nhân viên không nhận được chỉ đạo cụ thể. Đôi khi các nhà quản lý giao việc và mục tiêu cho nhân viên không rõ ràng, hoặc giả thay đổi liên tục mục tiêu hay quyết định cũng làm cho nhân viên bối rối và không hài lòng với công việc.

Nhân viên không được phát triển. Nếu nhân viên không được đào tạo thường xuyên, không có điều kiện để học hỏi, phát triển cá nhân và nghề nghiệp, họ sẽ cảm thấy bị ‘vắt” sức lực và trí tuệ thay vì có cảm giác cống hiến.

Nhân viên không được phát huy tính sáng tạo. Tính chất công việc quá đơn điệu, môi trường làm việc không phát huy tính sáng tạo cũng làm nhân viên nản lòng.

Nhân viên bị thử thách liên tục. Một số nhân viên do hoàn thành công việc quá xuất sắc, đã ‘được” sếp liên tục giao cho những chỉ tiêu cao và khó hơn. Những nhân viên đó cảm giác rằng sếp không bao giờ hài lòng với thành quả của họ dù họ đã làm tốt công việc.

Sếp ‘bắt’ nhân viên nhận lỗi thay cbo mình. Khi nhà quản lý phạm sai lầm, thái độ tốt nhất là họ phải chấp nhận lỗi và đề ra hướng giải quyết. Nếu nhà quản lý thường xuyên không nhận lỗi và đưa nhân viên ra nhận lỗi trước sếp cao hơn hay đối tác sẽ làm cho nhân viên không phục và dẫn đến bất mãn với sếp và công ty.

Hệ thống phục vụ nội bộ không tốt. Trong một công ty mà các phòng ban được lập ra không phải để hỗ trợ nhau mà là để kiểm tra và làm khó nhau cũng sẽ tạo ra sự bất mãn lớn trong nhân viên. Hệ thống cồng kềnh, thủ tục nội bộ phức tạp sẽ làm nhân viên không hài lòng và triệt tiêu hưng phấn làm việc của nhân viên.

Không có tinh thần đồng đội. Nhân viên làm việc trong một môi trường mà sếp không tạo ra được một tinh thần đồng đội – mọi người không gắn bó với nhau, châm chọc nhau, làm khó nhau – họ cũng sẽ rơi vào tình trạng không hài lòng với bản thân, với đồng nghiệp và công ty.

Quantri.Vn

Doanh nghiệp và sinh viên cùng chung tay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ

Là thành viên ban tổ chức Ngày  nhân sự  Việt Nam 2010 và được phân công trách nhiệm Trưởng ban Vận động tài trợ (gọi tắt là Ban tài trợ) nên tôi rất bận, tuy nhiên cũng cố gắng hoàn tất tham luận ngắn này, với mục tiên chia sẻ với cộng đồng  nghề nhân sự  , cũng như “các bên liên kết khác” trong xã hội, đặc biệt là các bạn sinh viên năm cuối, nguồn nhân lực trẻ của đất nước.

   Qua các thông báo  tuyển dụng  trên thị trường, hẳn chúng ra dễ thấy đại đa số các vị trí trống yêu cầu ứng viên phải có vài năm kinh nghiệm làm việc. Đây thực sự là một “ngưỡng cản”, nếu không nói là một “nỗi thất vọng” đối với sinh viên mới tốt nghiệp (tức các cử nhân mới được “ra lò”), như nhiều bạn sinh viên chia sẻ. Mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Vấn đề này thực ra có thể được giải quyết “khá ổn” nếu một bên là các doanh nghiệp, cụ thể là lãnh đạo và quản lý cấp cao, và một bên là đội ngũ sinh viên các năm cuối, cùng góp sức và “gỡ nút”.

   Tại các bộ phận, phòng ban của các doanh nghiệp, các cấp trưởng phòng và nhân viên chuyên môn thường có rất nhiều việc “đơn giản” như soạn thảo văn bản, lưu trữ  tài liệu  liên lạc nhà cung cấp, đối tác, khách hàng… và nhiều việc khác mang đặc thì công việc của một nhân viên khởi điểm. Đây là những công việc rất phù hợp với đội ngũ sinh viên các năm cuối, từ năm thứ ba trở đi. Về bản chất, có thể thấy rõ “có cầu – có cung”! Vấn đề là mô hình này (tiêu đề của bải viêt) được thực hiện như thế nào, với các điều kiện gì.

   “Các bên liên quan” trong mô hình này gồm có: sinh viên, doanh nghiệp, gia đình, nhà trường, xã hội.

Vai trò của sinh viên: Một khi đã có Cầu thì sinh viên năm cuối hoàn toàn có thể nắm bắt, với mục tiêu tích lũy kinh nghiệm làm việc, mở mang các mối quan hệ và cả khả năng có một chút thu nhập (cho dù không phải là mục tiêu chính). Tuy nhiên, khả năng thành công chỉ thực sự đến với những sinh viên có chí hướng, thái độ làm việc nghiêm túc, đặt ra mục tiêu rõ ràng, biết cách tổ chức thời gian của mình, để cân đối quỹ thời gian cho học tập, làm việc, nghỉ ngơi, giao lưu với chúng bạn.

   Vai trò của doanh nghiệp: Như đã nêu ở trên, tại các doanh nghiệp luôn có nhiều việc phù hợp với sinh viên. Vấn đề là doanh nghiệp có sẵn sáng tạo các cơ hội cho sinh viên đến thực tập và làm việc (bán thời gian) hay không. Thiện chí của doanh nghiệp chỉ có thể biến thành hiện thực nếu ngươi đứng đầu doanh nghiệp và các bộ phần, phòng ban cũng như các nhân viên quan tâm đến lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện cho họ phát triển.
 
   Gần đây, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản hàng năm tổ chức chuỗi bài giảng tại Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, do các lãnh đạo và quản trị viên cấp cao của Tập đoàn thực hiện. Nếu tôi không nhầm thì mỗi năm Tập đoàn tổ chức 4 buổi giảng, mỗi buổi nửa ngày. Đây là dịp để tập đoàn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, thông qua đó cũng góp phần củng cố, phát triển hình ảnh, thương hiệu trước một  lực lượng lao động rất tiềm năng cho Tập đoàn.
 
   Với các doanh nghiệp nhân sinh viên vào thực tập, làm việc, có thể họ không lưu giữ các sinh viên thực tập như là nhân viên song số sinh viên sau này khi tốt nghiệp có thể là các đối tác, nhân viên, cộng tác viên trong tương lai.

&Ldquo;Thiết nghĩ, các doanh nghiệp nếu thực sự cầu hiền, cầu tài hãy marketing một cách thân thiện, mạnh mẽ tới giới sinh viên, tìm ra những sinh viên có tố chất phù hợp với nghề để  đào tạo  , truyền đam mê nghề nghiệp khi họ sắp ra trường, khi ấy sinh viên rất cần môi trường làm việc thực tế nên được “chăm sóc” như vậy sẽ cảm thấy muốn gắn bó, trung thành, lâu dài với doanh nghiệp ấy luôn!” (Chị Thanh Nga, sinh viên FTU chia sẻ).
 
   Vai trò của gia đình: Gia đình nên khuyến khích con em mình chủ động và tích cực trong tích lũy kinh nghiệm thực tế và kỹ năng khi còn đi học. Tại DTK Consulting, vào giữa mùa hè 2010, sau khi phỏng vấn, có sinh viên đã được công ty mời vào làm việc bán thời gian, nhưng sau đó em này gia đình khuyên em nên tập trung cho học tập. Tuy nhiên một thời gian sau, sinh viên này liên lạc trở lại, ngỏ ý muốn đi làm như đã được mời trước đây. Rất tiếc khi đó tại Công ty không còn vị trí trống.
 
  Vai trò của nhà trường: Nhà trường có tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp và cách thức tiếp cận của sinh viên với công việc. Qua công tác hỗ trợ sinh viên trong những năm gần đây, tôi được biết tại Đại học Ngoại thương. Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRC). Đã có nhiều năm hoạt động rất sôi nổi, còn tại Đại học Hà Nội (HANU) thì gần đây đã thành lập câu lạc bộ việc làm (HJC). Các loại hình câu lạc bộ này đóng vai trò rất lớn trong việc là cầu nối giữa doanh nghiệp với sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm thông qua hoạt động câu lạc bộ, nắm bắt các cơ hội việc làm mà doanh nghiệp đem lại cho họ.
 
   Vai trò của xã hội: Xã hội nên có cái nhìn “mở” trước việc sinh viên đi làm, tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt trong các môi trường dịch vụ. Tôi đã phỏng vấn một sinh viên nữ, đã đi làm tại một nhà hàng nước ngoài tại Hà Nội và được biết tại đây em đã học được những kỹ năng rất hữu ích như kỹ năng giao tiếp, tính kỷ luật, rèn đức tính bền bỉ, tác phong chuyên nghiệp.

Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam
Ths. Đào Trọng Khang
CEO DTK Consulting Co.,Ltd

0 nhận xét :

Đăng nhận xét