Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Cách chọn và sử dụng nhân tài của Google

Hình ảnh một ngôi sao chuẩn mực tại thung lũng Silicon (California) được biết đến là những thiên tài tốt nghiệp tại Stanford, MIT hay Harvard, rất thông tuệ và mang tầm chiến lược.

Thậm chí, không ít người nghĩ rằng bạn sẽ khó lòng tìm kiếm một công việc nếu không có bằng thạc sĩ tại Stanford hay MIT. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ chính Google lại cho thấy một sự thật đáng ngạc nhiên về các ngôi sao vùng thung lũng hoa vàng này, qua đó đã chứng minh những gì mọi người suy tưởng trước đây là sai lầm.

Quyết định dựa theo dữ liệu từ phòng nhân sự

Google vốn nổi tiếng là một trong số những doanh nghiệp sử dụng dữ liệu thông minh nhất thế giới, thậm chí trong lĩnh vực nhân sự vốn là nơi các doanh nghiệp thường đưa ra quyết định tuyển dụng dựa nhiều vào cảm tính.



Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm này thành lập cả một tiểu đội tập trung cho công việc “phân tích con người” và nhiệm vụ chính của họ chính là áp dụng một công thức đánh giá dựa trên cả khía cạnh con người lẫn khía cạnh chuyên môn.

Bằng cách sử dụng phương thức dựa trên dữ liệu thay vì cảm tính, Google có thể vượt qua rất nhiều hiểu biết sai lầm nhưng lại rất phổ biến trong cách xây dựng một đội ngũ nhân viên siêu sao. Ví dụ, mỗi năm hai lần, tất cả nhân viên Google sẽ cùng đánh giá sếp của họ trong một bảng khảo sát bao gồm từ 12 đến 18 yếu tố. Trong khi đó, hàng chục ngàn ứng viên vào Google sẽ đi qua một quá trình xem xét kỹ lưỡng để tìm hiểu liệu khả năng trả lời phỏng vấn của họ sẽảnh hưởng ra sao đến khả năng thành công trong công việc về sau.

Trả lời câu hỏi điều gì tạo nên nhà lãnh đạo tài ba, Google cho hay những nhà lãnh đạo giỏi phải có hai yếu tố là dễ dự đoán và nhất quán. Khi một nhà quản lý dễ dự đoán, họ sẽ khiến nhân viên cảm thấy an tâm hơn vì không còn lo ngại sếp của mình sẽ thay đổi chiến thuật như chong chóng. Tương tự với yếu tố nhất quán, nếu sếp của bạn dễ dàng thay đổi quyết định, bạn sẽ không bao giờ biết rõ mình sắp tới sẽ làm gì và cảm giác đó là một sự hạn chế rất nhiều cho thành công chung của tổ chức. Nếu có một nhà lãnh đạo rõ ràng, trước sau như một, nhân viên sẽ cảm nhận sự tự do hơn trong công việc.

Nhân viên tốt là người có khả năng giải quyết vấn đề phức tạp

Khác với giai đoạn đầu tiên của Google, lúc ấy các ứng viên được tuyển chọn lệ thuộc rất nhiều vào thành tích học tập của họ tại các trường danh tiếng, giờ đây, Google đánh giá nhân viên dựa trên câu trả lời phỏng vấn về khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp.

Sự tự do mà một nhà lãnh đạo nhất quán mang tới chính là nguồn lực to lớn bởi lẽ việc nhân viên có thể làm chủ công việc của mình chính là nguồn động viên lớn nhất đối với năng suất lao động ở mỗi cá nhân.

Edward Deci và Richard Ryan đã thực hiện khảo sát với hàng trăm nhân viên ngân hàng đầu tư vào năm 2004. Kết quả cho thấy độ mãn nguyện về công việc của họ đạt đến mức cao nhất khi sếp cho phép nhân viên được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc của mình. Việc giúp đỡ ấy bao gồm hỗ trợ về kiến thức, khuyến khích và cả cấu trúc làm việc trong tổ chức. Kết quả không chỉ là nhân viên tỏ ra hứng khởi hơn, mà hiệu suất làm việc cũng đạt đến mức cao nhất. Mười năm sau, Google tìm thấy một kết quả tương tự. Theo Google, những nhân viên thành công nhất của họ giờ đây chính là những người cảm nhận sâu sắc nhất về nghĩa vụ của công việc họ đang làm và cảm thấy có toàn quyền xử trí công việc của mình.

Nói cách khác, những nhà lãnh đạo của Google không nhất thiết phải đến từ những trường đại học hàng đầu thế giới. Mà đơn giản, họ là những cá nhân sẵn sàng tỏ ra dễ dự đoán trong mắt nhân viên và luôn luôn giúp nhân viên biết cách làm chủ công việc của mình.

Theo Thống Lâm/ Doanh nhân Sài Gòn

Sinh viên đừng than “đào đâu” ra kinh nghiệm

Nhiều bạn đề cập đến một "nghịch lý" đó là công ty nào khi tuyển dụng cũng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm, mà sinh viên mới ra trường đào đâu ra kinh nghiệm. Hãy nghĩ lại.



Tôi xin chia sẻ góc nhìn của mình vì từng là sinh viên mới ra trường, từng làm công việc tuyển dụng, về vấn đề này như sau.

Các bạn sinh viên ức chế vì công ty nào tuyển cũng đòi kinh nghiệm cũng có lý, nhưng hãy thử đặt mình ở vị trí nhà tuyển dụng. Ví dụ như chuyên ngành của tôi là xuất bản/dịch thuật/biên tập. Công ty tôi thường phải tuyển nhân sự toàn thời gian và bán thời gian. Tôi chịu trách nhiệm biên tập lại trên bản dịch của các bạn, tôi chịu trách nhiệm với sếp về bản dịch của các bạn. Như thế, để việc chạy tốt, tôi buộc phải làm việc với người càng cứng tay càng tốt.

Trong quá trình hơn 10 năm làm việc của mình, cũng có những lúc tôi quyết định làm việc với một số bạn sinh viên - đó là những bạn chưa có kinh nghiệm nhưng theo nhận định chủ quan của tôi là "có tố chất", thế nên tôi dành thời gian riêng của tôi (công ty không trả lương cho việc này) để hướng dẫn các bạn. Sau khi các bạn "có kinh nghiệm" thì hoặc là tôi tuyển các bạn, hoặc là các bạn nộp hồ sơ vào một công ty khác với tư thế là người đã có kinh nghiệm cộng tác với công ty tôi. Và thật sự thì việc hướng dẫn cho sinh viên mới ra trường rất cực - tất nhiên cực hơn nhiều so với làm việc với người có kinh nghiệm. Không cực làm sao được khi sinh viên nhiều bạn đến ngày ra trường vẫn không biết cách viết một cái mail cho chuẩn mực, không biết cách format Word, không biết tra google, không biết tự đi tìm câu trả lời cho vấn đề của mình..., Đó là tôi chưa nói đến chuyên môn.

Các bạn hỏi mới ra trường, không ai nhận, mà công ty nào cũng đòi phải "có kinh nghiệm", thì kinh nghiệm đâu ra? Vậy các bạn có khi nào tự hỏi, nếu công ty nào cũng đòi "có kinh nghiệm" thì những người họ tuyển được từ đâu ra? Chẳng phải ai cũng đi từ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đó sao? Vậy thì tại sao người ta cũng là sinh viên mới ra trường nhưng "có kinh nghiệm" còn mình thì không? Phải biết tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, đừng chỉ chăm chăm vào "nghịch lý" rằng các công ty đòi hỏi ứng viên phải "có kinh nghiệm".

Vậy thì kinh nghiệm ở đâu ra? Kinh nghiệm trong quá trình vừa học vừa làm của các bạn. Kinh nghiệm từ các công việc part-time chạy đôn chạy đáo của các bạn - dẫu cho việc part-time đó không liên quan đến chuyên ngành. Kinh nghiệm từ những việc làm không lương của các bạn từ thời sinh viên. Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện...Cũng là một dạng tích trữ kinh nghiệm. Bởi vì mong các bạn hiểu cho, "kinh nghiệm" ở đây còn là kinh nghiệm làm việc (tức là biết cách làm việc, làm gì cũng được) và kinh nghiệm sống, chứ không chỉ là "kinh nghiệm có được khi làm việc trong chuyên ngành đó".

Khi các bạn còn đặt vấn đề, lên án "nghịch lý" đó thì nghĩa là các bạn vẫn còn ảo tưởng về cuộc sống này, còn nặng tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng và thích được người ta dọn sẵn cho mình ăn. Tỉnh dậy đi, cuộc đời này không đơn giản như thế. Các công ty kinh doanh không phải là tổ chức từ thiện, họ trả lương cho bạn xứng đáng với những gì họ nhận lại được từ bạn. Vậy thì nếu bạn vẫn than vãn về chuyện mới ra trường không có kinh nghiệm, thế thì hãy nộp đơn xin học việc từ 3 đến 6 tháng để lấy kinh nghiệm - bạn dám không? Nếu dám, chắc chắn có công ty nhận bạn. Nếu không, thế thì tại sao bạn lại muốn các công ty nhận bạn vào và bỏ ra chừng đó thời gian cộng trả tiền lương để dạy việc cho bạn? Không công bằng đúng không?

Chốt lại, nếu bạn tiếp tục ngồi đó than thì còn không có kinh nghiệm dài dài. Hãy đi kiếm công việc gì làm, hãy nhào vào làm, không ai trả lương cũng làm, cứ cho trước đi rồi từ từ nhận lại sau, tự khắc chưa ra trường cũng sẽ tích lũy được một mớ kinh nghiệm rồi đấy các bạn.

Vi Thảo Nguyên
buzznews.Vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét