Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

101 câu hỏi mà nhà phỏng vấn cần phải quan tâm

"Chuẩn bị kỹ là nắm chắc 50% cơ hội thắng". Đây là câu nói mà tôi rất tâm đắc. Bạn đừng nghĩ là những người phỏng vấn xin việc mới cần những câu hỏi phỏng vấn này. Chính bạn cũng sẽ cần nếu bạn chuẩn bị điều hành hoặc tham dự một buổi phỏng vấn.

Để phỏng vấn hiệu quả, bạn cần chuẩn bị cho mình ít nhất 20 câu hỏi xoay quanh các vấn đề bạn cần tìm hiểu. Mục đích của phỏng vấn không phải là để bắt bí đối phương mà giúp bạn và cả người xin việc hiểu nhau hơn.

Tôi thường xuyên tổ chức và điều hành các buổi phỏng vấn xin việc và đương nhiên cũng nhiều lần từng là người được phỏng vấn. Đối với tôi, phỏng vấn là một cơ hội, một cơ hội lớn để có thể hiểu rõ những nhu cầu, các thiếu sót và mong muốn của nhau, giúp 2 phía hiểu nhau hơn để cùng đưa ra quyết định hợp tác với nhau.

Mời các bạn tham khảo các câu hỏi phỏng vấn mẫu sau đây:

1. Bạn hãy giới thiệu về mình?
2. Thất bại lớn nhất mà bạn đã trải qua?
3. Gia đình của bạn có những ai?
4. Bạn là con thứ mấy trong gia đình?
5. Kể về kỷ niệm lần đầu tiên bạn kiếm được tiền?
6. Ước mơ của bạn là gì?
7. Điểm mạnh của bạn?
8. Điểm yếu nhất của bạn là gì?
9. Bạn có lý tưởng sống không?
10. Điều gì là quan trọng nhất với bạn?
11. Nếu được ví mình như một loài hoa thì bạn sẽ là hoa gì?
12. Con vật nào bạn thích nhất?
13. Con vật nào bạn ghét nhất?
14. Nếu trở thành một con vật, bạn muốn trở thành con vật gì?
15. Cuốn sách bạn đọc gần đây nhất là cuốn nào?
16. Khi ra quyết định, bạn thường tham khảo ý kiến của ai?
17. Thần tượng của bạn là ai?
18. Trong gia đình ai là người ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất?
19. Hãy nói về quê hương bạn?
20. Bạn thường đọc sách gì?
21. Bạn bè của bạn là những người như thế nào?
22. Sở thích của bạn?
23. Kể ra 5 thói quen tốt của bạn?
24. Kể ra 3 đặc điểm mọi người hay chê bạn?
25. Hồi còn đi học, môn nào bạn học kém nhất? Vì sao?
26. Bạn đã từng làm việc ở những công ty nào?
27. Vì sao bạn lại bạn lại định bỏ chỗ làm hiện nay?
28. Tại sao bạn lại thay đổi nhiều nơi làm việc như vậy?
29. Bạn nhận xét như thế nào về đồng nghiệp của bạn?
30. Điều gì làm bạn thất vọng nhất?
31. Đồng nghiệp của bạn nhận xét như thế nào về bạn?
32. Đặc điểm nào ở bạn mà mọi người không thích khi tiếp xúc với bạn?
33. Sếp cũ của bạn có thích bạn không?
34. Điều nuối tiếc nhất mà bạn chưa làm được cho sếp của bạn?
35. Điều bạn còn trăn trở chưa làm được là gì?
36. Bạn nghĩ gì về những người sếp trước đây?
37. Bạn đã bao giờ bị buộc phải nghỉ việc?
38. Hãy kể về một số thành tích nổi trội của bạn trong công việc?
39. Nếu chỉ được lựa chọn giữa gia đình và công việc bạn sẽ chọn gì?
40. Bạn biết đến công ty này như thế nào?
41. Bạn đã biết gì về công ty rồi?
42. Theo bạn tại sao công ty này lại thành công?
43. Công ty này có gì chưa ổn không?
44. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?
45. Công ty tôi đã có gì hấp dẫn bạn chăng?
46. Bạn đã gặp những ai ở công ty này? Họ nói gì với bạn?
47. Bạn đã được   đào tạo   những gì về lĩnh vực này?
48. Bạn có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này rồi?
49. Bạn có đặt mục tiêu cho buổi phỏng vấn này?
50. Bạn hãy cho biết kế hoạch công việc nếu bạn trúng tuyển?
51. Đâu sẽ là khó khăn cản trở bạn trong công việc này?
52. Khi làm việc nhóm bạn thường đảm nhận vị trí nào, trưởng nhóm hay thành viên?
53. Trong nhóm làm việc, mọi người đánh giá năng lực của bạn như thế nào?
54. Bạn thường không thích làm việc với những người như thế nào?
55. Bạn cần thời gian bao lâu để thích nghi với công việc?
56. Đây có phải là nghề mà bạn thực sự mong muốn và quyết tâm theo đuổi?
57. Bạn có thích tính kỷ luật không? Vì sao?
58. Bạn đề cao yếu tố nào nhất trong công việc: kỷ luật, trung thực, tự do?
59. Bạn thích làm việc trong môi trường kỷ luật về giờ giấc hay tự do thời gian?
60. Bạn có ngại phải đi công tác xa nhà?
61. Theo bạn ai là người trả   lương   cho bạn?
62. Mức lương như thế nào thì bạn có thể làm việc?
63. Mức thu nhập như thế nào đủ để bạn trang trải cuộc sống và yên tâm công tác?
64. Ngoài xin việc ở đây bạn còn đang nộp hồ sơ ở những nơi nào?
65. Những điều gì khiến bạn lo lắng khi bắt đầu công việc?
66. Bạn muốn làm việc ở đây bao lâu nếu bạn được   tuyển dụng   ?
67. Bạn có khả năng làm việc trong môi trường căng thẳng, áp lực?
68. Theo bạn công việc hiện nay đòi hỏi những kỹ năng nào?
69. Làm thế nào để tôi đánh giá bạn làm việc hiệu quả đây?
70. Những yếu tố nào sẽ giúp bạn làm việc tốt nhất?
71. Bạn có sẵn sàng làm ngoài giờ?
72. Bạn có khả năng làm việc vào ban đêm không?
73. Trong trường hợp đột xuất phải làm việc vào ngày nghỉ, bạn có đồng ý không?
74. Khi rời khỏi công ty bạn bàn giao như thế nào?
75. Theo bạn cá nhân phải tôn trọng tập thể hay tập thể phải vì cá nhân?
76. Bạn có nghĩ rằng công việc này sẽ phù hợp với bạn?
77. Bạn có kế hoạch gì để nâng cao chuyên môn?
78. Bạn tưởng tượng như thế nào về môi trường làm việc ở đây?
79. Bạn muốn có một người sếp như thế nào?
80. Bạn có khả năng đặt mục tiêu và thực hiện mục tiêu?
81. Triết lý của bạn trong công việc?
82. Tại sao tôi phải nhận bạn vào làm việc?
83. Các nguyên tắc của bạn trong công việc là gì?
84. Điều gì làm bạn mất tập trung trong công việc?
85. Bạn có dám đối mặt với những thử thách, khó khăn?
86. Công việc lý tưởng của bạn là như thế nào?
87. Mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của bạn là gì?
88. Bạn đánh giá như thế nào về khả năng giao tiếp ứng xử của bản thân?
89. Bạn có khả năng nói trước công chúng?
90. Khó khăn của bạn khi trình bày trước mọi người?
91. Bạn đã thuyết phục được bao nhiêu người làm theo bạn?
92. Bạn có khả năng lãnh đạo không?
93. Hãy kể về công việc do bạn làm lãnh đạo?
94. Hãy kể về một tình huống khó khăn nhất và cách giải quyết của bạn?
95. Bạn biết gì về kế hoạch của công ty trong năm nay?
96. Bạn có câu hỏi nào dành cho tôi không?
97. Khi nào thì bạn có thể bắt đầu công việc?
98. Điều kiện làm việc như thế nào sẽ phù hợp với bạn?
99. Nếu bạn có đủ tiền bạc, ai đó khuyên bạn nên nghỉ sớm, bạn có đồng ý không?
100. Bạn nghĩ sao nếu bạn thất bại trong buổi phỏng vấn này?
101. Theo bạn trong cuộc phỏng vấn hôm nay tỷ lệ thành công của bạn là bao nhiêu?

Nguyễn Dũng - HR.Org.Vn

4 kiểu nhân viên doanh nghiệp nhỏ không nên giữ

Trong chiến lược nhân sự, việc ngăn chặn những hành vi tiêu cực của nhân viên trước khi nó gây ra thiệt hại lâu dài cho doanh nghiệp vô cùng quan trọng.



Với các doanh nghiệp nhỏ hay mới khởi nghiệp, dù chỉ có số nhân viên ít ỏi, sa thải sẽ khiến bạn gặp một số khó khăn trước mắt, nhưng cần hiểu rằng bạn sẽ không đủ khả năng để duy trì việc trả lương cho một nhân viên không mang lại lợi ích nào. Dưới đây là 4 loại nhân viên thường gây hại nhiều hơn là đem lại thành quả cho tổ chức.

1. Người tiêu cực

Nhân viên tiêu cực là người luôn phàn nàn mọi lúc mọi nơi. Anh ta không muốn nhận những trách nhiệm mới hay làm thêm giờ, và luôn chỉ trích sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty.

Người phản biện đưa ra vấn đề kèm các giải pháp tiềm năng trong khi người tiêu cực nhìn mọi thứ dưới góc nhìn tuyệt vọng, không giải pháp. Đó là sự khác biệt giữa một người có khả năng phản biện và một người bi quan.

Người tiêu cực có xu hướng lây lan suy nghĩ tiêu cực cho các nhân viên khác và cuối cùng mang lại một sự hoài nghi có hại cho toàn bộ tổ chức. Trước khi quyết định sa thải, bạn có thể - và cũng nên - góp ý với nhân viên, cho họ cơ hội để điều chỉnh. Nhưng nếu hành vi này lặp lại, bạn nên quyết đoán trước khi tất cả mọi người phải gánh hậu quả.

2. Người tuân lệnh

Đó là nhân viên luôn làm bất cứ điều gì bạn nói. Có vẻ như người này sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn và giúp bạn đạt mục tiêu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quy mô doanh nghiệp nhỏ, một nhân viên răm rắp tuân lệnh không mang lại giá trị gì. Công ty đang ở bước đầu phát triển và thực sự cần những người năng động, tự chủ, có sáng kiến và chính kiến.

Người tuân lệnh chấp nhận mọi yêu cầu mà không hề thắc mắc gì và họ cũng có thể làm tốt phần việc được giao. Tuy nhiên, việc thiếu tư duy độc lập và tinh thần lãnh đạo là thiếu sót nghiêm trọng nếu đặt trong mục tiêu phát triển công ty trong dài hạn.

Người tuân lệnh không bao giờ đặt câu hỏi hoặc đưa ra sáng kiến mới. Thay vào đó, họ như robot, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bao giờ truyền cảm hứng cho ai hay cải tiến công việc của mình.

3. Người kỳ cựu

Đừng hiểu sai ý này! Thêm một người có nhiều kinh nghiệm vào nhóm là một cách tuyệt vời để thiết lập một nền tảng vững chắc, lâu dài đối với một bộ phận nhất định của công ty.

Thật không may, nhiều năm kinh nghiệm đi kèm với mức lương cao sẽ dẫn đến tình trạng bảo thủ. Ví dụ, nếu bạn chọn một nhà phát triển web có kinh nghiệm 15 năm, họ sẽ yêu cầu mức lương cao hơn và đòi hỏi phải tuân theo quy trình nhất định. Xin khẳng định một lần nữa, việc này có giá trị và lợi ích nhất định của nó, nhưng các doanh nghiệp nhỏ cần sự linh hoạt và nhanh nhẹn hơn là kinh nghiệm sống.

Nếu bạn phải lựa chọn giữa một người có kinh nghiệm và một người đam mê thực sự, hãy chọn người có đam mê.

4. Người ích kỷ

Nhân viên ích kỷ chỉ trông đợi tiền lương mà không muốn làm gì để có được nó. Đây là loại nhân viên làm việc theo tiêu chí “càng ít càng tốt”, đến muộn về sớm và không muốn làm bất cứ điều gì để mang lại lợi ích cho nhóm hoặc công ty.

Họ có xu hướng tách mình khỏi các thành viên khác và không chấp nhận những trách nhiệm mới hoặc tăng khối lượng công việc. Trong một môi trường lớn hơn và chú trọng cá nhân nhiều hơn, thì nhân viên ích kỷ có thể sống an toàn mà không làm hại đến ai, nhưng với những hạn chế và môi trường làm việc nhóm tích cực của doanh nghiệp nhỏ thì chẳng lợi lộc gì.

Sự thật, hầu hết các nhân viên làm việc cho các công ty khởi nghiệp đều không phải vì tiền lương, mà vì hoài bão và khát khao theo đuổi mục tiêu.

Rõ ràng là chúng ta không thể phân loại chính xác nhân viên vào bất kỳ một nhóm nào. Bạn có thể có một nhân viên xuất sắc nhưng sở hữu vài điểm tiêu cực hoặc ngược lại. Quyết định tuyển dụng và sa thải của bạn phải được xem xét toàn diện sau khi phân tích cẩn thận kết quả công việc, năng lực và tính cách của nhân viên.

Xây dựng đội ngũ nhân sự cần có thời gian, nhưng càng nỗ lực nhiều thì bạn càng có sự đảm bảo tốt cho tương lai của doanh nghiệp.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn  

0 nhận xét :

Đăng nhận xét